CHỦ NGHĨA TÂN TIẾN

 (Sắc Lệnh Lamentabili Sane ngày 3-7-1907)

 

Với những hậu qủa thật đáng tiếc thương, thời đại chúng ta, khi loại bỏ tất cả những gì là gò bó trong việc tìm kiếm căn nguyên tối hậu của các sự vật, thường theo đuổi những cái mới mẻ nhiệt liệt đến nỗi đã phủ nhận gia sản của giòng dõi loài người. Bởi vậy, nó đã rơi vào những sai lầm trầm trọng, những sai lầm càng nghiêm trọng hơn nữa khi chúng liên quan đến linh quyền, đến việc cắt nghĩa Thánh Kinh, và đến các mầu nhiệm Đức Tin chính yếu. Sự việc hết sức đáng tiếc là có nhiều cây viết Công Giáo cũng đi ra ngoài giới hạn được ấn định bởi các vị Giáo Phụ và chính Giáo Hội. Lấy lẽ là để hiểu biết hơn và sưu tầm lịch sử (như họ nói), họ tìm kiếm việc tiến bộ nơi các tín điều mà, thực tế, không gì khác hơn là việc hủy hoại các tín điều.

 

Những sai lầm này mỗi ngày đang lan truyền nơi tín hữu. Để chúng không chiếm được tâm trí tín hữu và làm băng hoại tính chất tinh tuyền đức tin của họ, Đức Thánh Cha Piô X, theo Thiên Chúa Quan Phòng, đã quyết định rằng cho Văn Phòng Tra Vấn của Hội Thánh Rôma Hoàn Vũ này ghi nhận và lên án các sai lầm chính yếu ấy.

 

Bởi thế, sau khi cứu xét và hội ý với các vị Cố Vấn Đáng Kính, với các vị Hồng Y Rất Trọng Kính, các vị Tổng Tra Vấn về vấn đề đức tin và luân lý đã phán quyết lên án và bác bỏ những chủ trương sau đây.

 

1.      Luật giáo hội qui định về các Sách Thánh được cứu xét trước đây không áp dụng cho các vị học giả và cho các sinh viên thuộc ngành bình luận về việc giải thích Cựu Ước và Tân Ước theo khoa học.

 

2.      Ngay cả được định tín đi nữa, Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội cũng không thể nào xác định được ý nghĩa chuyên chính của các Sách Thánh.

 

3.      Căn cứ vào các phán quyết và gay gắt của giáo hội tỏ ra chống lại việc tự do giải thích thánh kinh theo khoa học, người ta có thể kết luận rằng Đức Tin của Giáo Hội đặt ra phản khắc với lịch sử và giáo huấn Công Giáo không thể thực sự hòa hợp với các nguồn gốc chân thật của Kitô Giáo.

 

4.      Mặc dù được tín điều công nhận, huấn quyền của Giáo Hội cũng không thể nào định được ý nghĩa chuyên chính của Thánh Kinh.

 

5.      Vì kho tàng Đức Tin chỉ chứa đựng các chân lý được mạc khải mà thôi, Giáo Hội không có quyền đưa ra phán quyết về các chủ trương của các khoa học về nhân bản.

 

6.      Vai trò “Giáo Hội học hỏi” và “Giáo Hội giảng dạy” hợp tác với nhau ở chỗ, việc xác nhận các chân lý chỉ dành cho vai trò “Giáo Hội giảng dạy” trong việc thừa nhận các ý nghĩ của vai trò “Giáo Hội học hỏi”.

 

7.      Trong việc bác bỏ các sai lầm, Giáo Hội không thể đòi người tín hữu bị Giáo Hội phán quyết phải hết lòng đồng ý với Giáo Hội.

 

8.      Những ai coi nhẹ các luận phi của Thánh Bộ Sách Cấm hay của các Thánh Bộ Rôma thì không bị lỗi lầm gì hết.

 

9.      Những ai tin rằng Thiên Chúa thực sự là tác giả của các Sách Thánh Kinh tỏ ra quá ngây ngô hay chẳng biết gì cả.

 

10.  Việc linh ứng để viết các sách Cựu Ước là ở chỗ các cây viết của dân Yến-Duyên đã truyền lại các giáo điều về một lãnh vực riêng, một lãnh vực các Dân Ngoại ít biết tới hay chẳng biết gì cả.

 

11.  Linh ứng thần linh không áp dụng cho tất cả mọi Sách Thánh, để  làm cho các phần của mình, từng phần cũng như mọi phần, tránh khỏi sai lầm.

 

12.  Nếu ai muốn làm cho mình thông thạo các việc học hỏi về Thánh Kinh, thì trước hết nhà dẫn giải phải loại bỏ tất cả các tiền thức về nguồn gốc siêu nhiên của Thánh Kinh và cắt nghĩa Thánh Kinh giống như các bản văn thuần nhân khác.

 

13.  Chính các Thánh Ký, cũng như các Kitô hữu thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, đã sắp xếp các dụ ngôn phúc âm một cách nhân tạo. Nhờ thế, họ đã giải nghĩa được hoa trái khan hiếm của giáo huấn Chúa Kitô nơi các người Do Thái.

 

14.  Trong nhiều trình thuật được các Thánh Ký ghi nhận, có nhiều điều không đúng, như những điều, mặc dù sai, các vị cho rằng có lợi cho độc giả hơn.

 

15.  Cho đến khi bộ thánh kinh được qui định và thiết lập thì các cuốn sách Phúc Âm đã bị lạm phát bằng việc thêm thắt hay sửa chữa. Bởi thế, chỉ còn lại nơi các cuốn Phúc Âm này một giáo huấn Chúa Kitô với dấu vết mơ hồ và bất định.

 

16.  Các trình thuật của Thánh Gioan không hợp với lịch sử, đó chỉ là một Phúc Âm chiêm niệm thần bí. Các bài diễn từ trong Phúc Âm của ngài là những suy niệm thần học, không có sự thật về lịch sử liên quan đến mầu nhiệm cứu độ.

 

17.  Phúc Âm thứ bốn đã nói qúa về các phép lạ, chẳng những để làm nổi bật cái phi thường mà còn để thích hợp hơn trong việc tỏ cho thấy hành động và vinh quang của Lời Nhập Thể.

 

18.  Gioan cho mình xứng làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Thế nhưng, thực ra, ngài chỉ là một chứng nhân đặc biệt của đời sống Kitô Giáo, hay của đời sống Chúa Kitô trong Giáo Hội vào cuối thế kỷ thứ nhất thôi.

 

19.  Các nhà chú giải thánh kinh không chính thống đã cho thấy ý nghĩa đích thực của các cuốn Sách Thánh một cách khít khao hơn là các nhà chú giải thánh kinh Công Giáo.

 

20. Mạc khải chẳng có là gì khác ngoài ý thức con người có được về mạc khải của mình đối với Thiên Chúa.

 

21.  Mạc khải làm nên đối tượng của Đức Tin Công Giáo chưa hoàn tất nơi các Tông Đồ.

 

22.  Tín điều mà Giáo Hội nắm giữ như được mạc khải không phải là những sự thật từ trời rơi xuống. Chúng là sự cắt nghĩa về những dữ kiện tôn giáo mà tâm trí loài người có được nhờ nỗ lực.

 

23.  Việc phản khắc có thể, và thực sự, xẩy ra giữa các sự kiện được thuật lại trong Thánh Kinh với các tín điều của Giáo Hội căn cứ vào đó. Bởi thế phê bình gia mới phủ nhận các sự kiện Giáo Hội cho là vững chắc nhất.

 

24.  Nhà chú giải thánh kinh đặt ra các giả thiết cho thấy các tín điều sai lầm hay mơ hồ theo lịch sử thì không thể bị trừng phạt, bao lâu họ không trực tiếp chối bỏ chính các tín điều này.

 

25.  Việc ưng thuận của đức tin hoàn toàn được căn cứ vào một khối khả thể.

 

26.  Tín điều Đức Tin được nắm giữ chỉ theo ý nghĩa cụ thể mà thôi, tức là theo những tiêu chuẩn cảm nhận của việc làm, chứ không theo những tiêu chuẩn tin tưởng.

 

27.  Thần tính của Chúa Giêsu Kitô không được các Phúc Âm chứng tỏ. Thần tính này là tín điều được lương tâm người Kitô hữu tin tưởng theo ý niệm về Đấng Thiên Sai.

 

28.  Trong khi thi hành sứ vụ của mình, Đức Giêsu không nói rằng Người là Đấng Thiên Sai như đối tượng giáo huấn của Người, cả các phép lạ của Người cũng không có khuynh hướng chứng tỏ điều này.

 

29.  Có thể nói rằng Đức Kitô lịch sử thua xa Đức Kitô, Đấng là đối tượng của đức tin.

 

30.  Trong tất cả mọi bản văn phúc âm, danh xưng “Con Thiên Chúa” cũng chỉ tương đương với danh xưng “Đấng Thiên Sai”. Nó không nói lên cho thấy chút nào Đức Kitô là Con Thiên Chúa thực sự theo bản tính.

 

31.  Giáo thuyết Thánh Phaolô, Gioan và các Công Đồng Chung Nicêa, Êphêsô và Chalcêđôn không phải là giáo thuyết Chúa Kitô dậy mà là giáo thuyết do lương tri Kitô hữu nghĩ về Chúa Kitô.

 

32.  Không thể nào hòa hợp ý nghĩa tự nhiên của các bản văn Phúc Âm với ý nghĩa được các thần học gia dạy, liên quan đến lương tâm và kiến thức bất khả ngộ của Chúa Giêsu Kitô.

 

33.  Hết mọi người không bị ảnh hưởng bởi các tiền thức có thể dễ dàng thấy rằng Đức Giêsu tuyên bố là sai lầm về việc trị đến tức thời của Đấng Thiên Sai, hay nhận thấy rằng phần lớn giáo thuyết của Người trong các sách Phúc Âm không có tính cách chuyên chính.

 

34.  Các nhà phê bình có thể qui cho Đức Kitô một kiến thức vô hạn theo giả thiết, một giả thiết không thể quan niệm theo lịch sử và nghịch với cảm quan luân lý. Giả thiết đó là Đức Kitô làm người có kiến thức của Thiên Chúa, song đã không muốn truyền đạt kiến thức của rất nhiều điều cho các môn đệ của mình cũng như cho hậu sinh.

 

35.  Đức Kitô không luôn luôn nhận thức được phẩm vị Thiên Sai của mình.

 

36.  Việc Đấng Cứu Thế Phục Sinh không phải là một sự kiện hợp với lãnh vực lịch sử. Nó là một sự kiện hoàn toàn thuộc lãnh vực siêu nhiên (không được chứng tỏ và không thể chứng tỏ) do lương tâm Kitô hữu từ từ suy diễn từ các sự kiện khác.

 

37.  Từ ban đầu, niềm tin vào việc Đức Kitô Phục Sinh không phải ở chính sự kiện Phục Sinh cho bằng ở sự sống bất tử của Đức Kitô với Thiên Chúa.

 

38.  Giáo thuyết về cái chết xá tội của Đức Kitô là do Thánh Phaolô chứ không phải từ phúc âm.

 

39.  Những ý nghĩ liên quan đến nguồn gốc của các Bí Tích do các vị Nghị Phụ Công Đồng Chung Triđentinô chủ trương và là các ý nghĩ bị ảnh hưởng bởi các khoản tín điều của các ngài thì rất khác với những ý nghĩ hiện nay có được một cách đúng đắn nơi các sử gia khảo sát về Kitô Giáo.

 

40.  Các Bí Tích bắt nguồn ở sự kiện là các Tông Đồ và các vị thừa kế của mình, nghiêng chiều và chuyển dịch theo hoàn cảnh và các biến cố, đã cắt nghĩa một số ý tưởng và ý định của Đức Kitô.

 

41.  Các Bí Tích chỉ có mục đích gợi lại cho tâm trí con người việc hiện diện vốn phúc lợi của Đấng Tạo Hóa.

 

42.  Cộng đồng Kitô hữu áp đặt việc cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, thức nhận nó như một lễ nghi cần thiết, và thêm vào đó việc buộc phải tuyên xưng Kitô Giáo.

 

43.  Việc ban phát Bí Tích Rửa Tội cho trẻ nhỏ là một tiến hóa về luật tắc, một tiến hóa trở thành một trong những nguyên nhân tại sao Bí Tích được chia ra làm hai, tức là Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Giải Tội.

 

44.  Không có gì chứng minh được rằng nghi thức của Bí Tích Thêm Sức là do các vị Tông Đồ thực hiện. Việc phân biệt chính thức giữa hai Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức không liên quan đến lịch sử Kitô Giáo sơ khai.

 

45.  Không phải mọi sự Thánh Phaolô thuật lại liên quan đến việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể (1Cor.11:23-25) có căn cơ lịch sử.

 

46.  Nơi Giáo Hội sơ khai, không có quan niệm về tội nhân Kitô Giáo được quyền bính Giáo Hội xá giải. Chỉ do Giáo Hội đã tự làm quen một cách hết sức từ từ quan niệm này. Thực ra, ngay sau khi Bí Tích Thống Hối được công nhận như là do Giáo Hội thiết lập thì nó đã không được gọi là Bí Tích, vì nó bị coi như là một Bí Tích thất sủng.

 

47.  Những lời của Chúa: “Hãy nhận lấy Thánh Linh; các con tha tội cho ai thì tội họ được tha; các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Jn.20:22-23), không thể nào ám chỉ về Bí Tích Thống Hối, mặc kệ những gì các vị Nghị Phụ Công Đồng Triđentinô muốn nói.

 

48.  Trong Thư Giacôbê (5:14-15), ngài không có ý khai mào cho một Bí Tích của Chúa Kitô, mà chỉ khuyên răn giữ một tập tục đạo đức. Nếu ngài muốn phân biệt nơi tập tục này một phương tiện ban ân sủng, thì cũng không phải bằng một cung cách cứng cỏi như các thần học gia, thành phần phác họa quan niệm và số lượng các Bí Tích, đã thực hiện.

 

49.  Khi bữa ăn tối của Kitô Giáo từ từ mặc lấy bản chất của một tác động phụng vụ thì thành phần chủ sự bữa ăn tối mới cần có đặc tính tư tế.

 

50.  Các vị kỳ lão, thành phần chu toàn nhiệm vụ coi sóc việc tụ họp của tín hữu, được các Tông Đồ lập nên làm các vị linh mục hay giám mục trong việc đáp ứng nhu cầu tổ chức các cộng đồng tăng phát, chứ không thích hợp trong việc kéo dài sứ mệnh và quyền năng Tông Đồ.

 

51.  Hôn Phối không thể nào trở thành một Bí Tích của tân luật cho tới mãi sau này ở trong Giáo Hội, vì cần phải có một giải thích thần học đầy đủ về giáo lý ân sủng cũng như về các Bí Tích trước khi Hôn Phối phải được coi là  một Bí Tích.

 

52.  Đức Kitô không có ý thiết lập Giáo Hội như là một tổ chức tồn tại trên trái đất kéo dài qua các thế kỷ. Ngược lại, theo ý của Đức Kitô, nước trời cùng với ngày tận thế đã sắp được thể hiện một cách cấp thời.

 

53.  Việc thiết lập cơ cấu của Giáo Hội không phải là không thể đổi thay. Như một tổ chức loài người, tổ chức Kitô Giáo cũng phải mãi mãi biến hóa.

 

54.  Các tín điều, Bí Tích và phẩm trật, cả về khái niệm cũng như thực tại của chúng, chỉ là những cắt nghĩa và biến hóa của trí thông minh người Kitô hữu, một trí thông minh, nhờ một loạt thêm thắt ngoại lai, đã làm tăng triển và hoàn bị mầm mống nhỏ bé nơi Phúc Âm.

 

55.  Simon Phêrô cũng chưa hề đặt vấn đề là Đức Kitô đã trao quyền thủ lãnh cho mình trong Giáo Hội.

 

56.  Giáo Hội Rôma trở thành thủ lãnh của mọi giáo hội không phải là do ấn lệnh của Sự Quan Phòng Thần Linh, mà chỉ là nhờ những điều kiện chính trị.

 

57.  Giáo Hội đã tỏ ra thù địch với đà tiến triển của các khoa học tự nhiên cũng như thần học.

 

58.  Chân lý không còn bất biến hơn chính con người nữa, vì nó xoay vần với, trong và qua con người.

 

59.  Đức Kitô không dậy một hệ thống giáo thuyết nhất định để áp dụng cho mọi thời và ở mọi nơi, mà chỉ khai mào một trào lưu tôn giáo được thích ứng hay phải được thích ứng với các thời điểm và với nơi chốn khác nhau.

 

60.  Giáo Thuyết Kitô Giáo theo nguồn gốc là Do Thái Giáo. Qua các biến hóa liên tục, nó đã trở thành, trước hết là giáo thuyết Phaolô, rồi giáo thuyết Gioan, sau hết tới giáo thuyết Hellenic và đại đồng.

 

61.  Có thể nói không sợ sai lầm là không có một chương Thánh Kinh nào, từ Sách Khởi Nguyên đầu tiên tới Sách Khải Huyền cuối cùng, có một giáo thuyết tuyệt đối giống như giáo thuyết Giáo Hội dậy về cùng một vấn đề. Bởi thế, cũng với lý do ấy, không có một chương Thánh Kinh nào có cùng một ý nghĩa đối với nhà phê bình và thần học gia.

 

62.  Các khoản chính trong Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ không có cùng một ý nghĩa đối với các Kitô hữu của các thời đại ban đầu như là đối với các Kitô hữu trong thời đại của chúng ta đây.

 

63.  Giáo Hội tỏ ra cho thấy rằng Giáo Hội không có khả năng bảo trì một cách hiệu nghiệm nền luân thường đạo lý theo phúc âm, vì Giáo Hội cứ khăng khăng giữ lấy các giáo thuyết bất khả bất biến không thể dung hòa với mức tiến bộ tân tiến.

 

64.  Tiến bộ khoa học đòi hỏi là các quan niệm về tín lý Kitô Giáo về Thiên Chúa, về việc tạo dựng, về việc mạc khải, về Con Người của Lời Nhập Thể, và về Ơn Cứu Chuộc, cần phải được tái thích ứng.

 

65.  Công Giáo tân tiến có thể dung hòa với khoa học đích thực chỉ khi nào nó được biến đổi thành một Kitô Giáo phi tín điều; tức là, thành một Phong Trào Thệ Phản phóng khoáng và cấp tiến.

 

Ngày Thứ Năm hôm sau, mùng 4 của cùng tháng (7) và cùng năm (1907), tất cả những vấn đề này đã được chính xác trình lên Đức Thánh Cha Piô X. Đức Thánh Cha đã chuẩn y và công nhận sắc lệnh (Lamentabili Sane) đây và truyền lệnh cho từng điều và mọi điều trong các điều khoản được liệt kê trên đây phải được tất cả mọi người lên án và bác bỏ.

 

Peter Palombell,

Thị thực của Tòa Tra Vấn Hội Thánh Rôma và Hoàn Vũ.

 

 

(Tài liệu trên đây được trích dịch từ bản Anh Ngữ của St. Paul Editions, và bản Anh Ngữ của St. Paul Editions này đã được nhà xuất bản Paulist/Newman cho phén in lại từ All Things in Christ, ed. Vincent A. Yzermans. The Newman Press: 1954, Westminster, Maryland)

 

Biệt Chú: Tân Tiến Thuyết trên đây cũng đã được Đức Thánh Cha Piô X, như chính ngài xác nhận trong đoạn số 4 của Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis của ngài ban hành ngày 8-9-1907, phân tách hết sức kỹ lưỡng và chặt chẽ, với mục đích để con cái mình thấy rõ bộ mặt thật của ngụy thuyết vô cùng quỉ quyệt và hiểm độc này, cũng như để đưa ra các phương dược trị liệu nó.